Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

ĐỂ CẢI THIỆN NGỮ ĐIỆU TRONG TIẾNG ANH NÊN LÀM NHƯ THẾ NÀO

Theo bạn ngữ điệu là gì và làm thế nào bạn có thể cải thiện ngữ điệu của mình trong tiếng Anh giao tiếp? Đội ngũ giáo viên tại Mic sẽ giải thích về điều này qua những thông tin sau.

Ngữ điệu là một đặc tính của phát âm và phổ biến cho tất cả các ngôn ngữ. Các đặc tính khác của phát âm bao gồm trọng âm, nhịp điệu, sự nối âm và chất giọng. Cũng giống như các đặc tính khác, ngữ điệu liên quan nhiều hơn đến cách thức chúng ta diễn đạt, chứ không phải nội dung ta nói đến.
Ngữ điệu là một đặc tính của phát âm và phổ biến cho tất cả các ngôn ngữ.
Hãy tưởng tượng bạn đang hỏi một tài xế taxi liệu anh ta có thể đưa bạn đến một trung tâm mua sắm cách đó 5km. Bằng giọng nói lạnh lùng, trầm thấp nhất mà bạn từng nghe, anh ta đáp “Sure. Get in”. Bạn sẽ vào chứ?
Còn bây giờ hãy thử tưởng tượng một trường hợp khác, có một chiếc taxi khác phía sau anh ta. Bạn hỏi cùng một câu hỏi, nhưng lần này tài xế trả lời với một âm sắc vui vẻ, có nhạc điệu trong giọng nói của anh ta. Lần này bạn sẽ sẵn sàng leo lên chiếc taxi thứ hai phải không? Nếu bạn chọn chiếc taxi thứ hai, hẳn là do ngữ điệu của tài xế khiến bạn cảm thấy được chào đón nhiều hơn: “Ồ, anh ta có vẻ tốt hơn nhiều”, bạn thầm nhủ.
Nhưng thực sự ngữ điệu là gì? Chỉ đơn thuần là nghe thân thiện hay có gì đó nhiều hơn thế nữa?

Khái niệm ngữ điệu trong tiếng Anh

Ngữ điệu là một đặc tính của phát âm và phổ biến cho tất cả các ngôn ngữ. Các đặc tính khác của phát âm bao gồm trọng âm, nhịp điệu, sự nối âm và chất giọng. Cũng giống như các đặc tính khác, ngữ điệu liên quan nhiều hơn đến cách thức chúng ta diễn đạt, chứ không phải nội dung ta nói đến.
Đơn giản nhất, ngữ điệu có thể được mô tả là “âm nhạc của lời nói”. Một sự thay đổi hoặc biến thể trong âm nhạc (hoặc cao độ) này có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa của những gì chúng ta nói. Do đó, ngữ điệu liên quan đến cách chúng ta sử dụng cao độ của giọng nói để thể hiện ý nghĩa và thái độ cụ thể.

Các chức năng khác nhau của ngữ điệu trong tiếng Anh

Có khá nhiều giả thiết được đưa ra để giải thích ngữ điệu có vai trò gì và cách sử dụng nó trong tiếng Anh. Chúng ta hãy xem hai chức năng chính của nó:

Chức năng thể hiện thái độ

Trong nhiều ngôn ngữ nói trên thế giới – nhưng đặc biệt là tiếng Anh-Anh – người nghe rất dễ hiểu thái độ của người nói: buồn chán, thích thú, ngạc nhiên, tức giận, trân trọng, hạnh phúc, v.v… thường được thể hiện rõ trong ngữ điệu của họ.
Chẳng hạn, một nhân viên phục vụ tại một nhà hàng hỏi: “How’s the chocolate muffin, madam” Và bạn trả lời: “mMMmmmm”, với ngữ điệu nổi lên ở giữa và rơi xuống cuối. Người phục vụ gật đầu với một nụ cười. Tại sao? Bởi vì bạn vừa thể hiện sự đánh giá cao của bạn đối với sản phẩm thông qua âm nhạc của giọng nói của bạn dù không dùng bất kì từ ngữ thông dụng nào.
Một ví dụ khác của ngữ điệu chính là khi bạn nhận được một chiếc bánh sinh nhật bất ngờ tại nơi làm việc. có thể bạn sẽ thốt lên “Ôi đây là quà tặng mình sao?” – sự cao giọng của bạn, đặc biệt là trên từ “mình”, ở cuối câu, bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú.
Mặt khác, cảm giác buồn chán hoặc thờ ơ có thể được thể hiện bằng một âm mang thanh ngang, (như một chú robot). Và để chứng minh điều này, bạn hãy so sánh câu “Cảm ơn” mà bạn đã thốt ra với người đưa thư (bằng giọng ngang như một chú robot) và câu “Cảm ơn!” khi được ai đó sửa giúp lốp xe ở bên đường (bằng giọng biểu cảm, chân thành).
Tóm lại, chúng ta thường thể hiện lòng biết ơn và những cảm xúc khác nhau bằng cách sử dụng ngữ điệu cũng như các từ chuyên dụng.

Chức năng thể hiện ngữ pháp

Có một số kiểu ngữ điệu trong tiếng Anh giao tiếp, trong đó phần lớn tương ứng với việc sử dụng các cấu trúc ngữ pháp cụ thể. Ví dụ phổ biến nhất là trong các câu hỏi bắt đầu bằng từ để hỏi (câu hỏi bắt đầu bằng who, what, why, where, when, which, và how), thường sẽ được xuống giọng ở cuối câu.
Trong một cuộc trò chuyện với bạn cùng lớp mới, những câu hỏi sau đây nghe có vẻ tự nhiên nhất khi hạ giọng cuối câu: ‘What’s your name?’, ‘Where are you from?’, ‘Why did you choose this school?’, ‘How long will you study here?’.
Tuy nhiên, những câu hỏi yêu cầu câu trả lời ‘yes’ hoặc ‘no’ thường có ngữ điệu hướng lên. Trong cùng một cuộc trò chuyện với bạn cùng lớp, giọng nói của bạn sẽ tăng lên khi kết thúc những câu hỏi sau: ‘Have you studied here before?’, ‘Do you like the teacher?’, ‘Will you come back tomorrow?’

Cách cải thiện ngữ điệu của bạn

Cách tốt nhất để cải thiện ngữ điệu của bạn chỉ đơn giản là nhận thức rõ hơn về nó. Bằng cách lắng nghe cẩn thận một cuộc hội thoại trên YouTube chẳng hạn, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy cách những người nói khác nhau sử dụng ngữ điệu khác nhau để thể hiện bản thân.
Một ý tưởng khác là ghi lại giọng nói của chính bạn. Ngày nay, ngay cả những điện thoại di động đơn giản nhất cũng được trang bị máy ghi âm. Quả là thú vị (mặc dù đôi khi không chịu nổi) khi nghe giọng nói của chính mình bởi vì nó có vẻ rất khác với những gì chúng ta mong đợi. Hãy thử ghi lại một cuộc đối thoại với một người bạn, (bạn có thể sử dụng một kịch bản từ một cuốn sách hoặc phân cảnh từ một bộ phim). Bây giờ hãy lắng nghe ngữ điệu của bạn. Nó tự nhiên hay chưa? Có thể hiện thái độ của bạn theo cách bạn mong muốn hay không?…
Với bản ghi âm, bạn luôn có thể tua lại, nghe lại và thử phiên bản mới. Ghi âm là một cách tuyệt vời để theo dõi tiến trình của bản thân. Chúng sẽ cho thấy rõ bạn đã tiến bộ như thế nào theo thời gian.

Tài nguyên hữu ích để cải thiện ngữ điệu của bạn ở nhà

Hầu hết các sách khóa học tiếng Anh cung cấp một số bài tập thực hành ngữ điệu, nhưng bạn có nhiều khả năng tìm thấy các ví dụ thực tế và thú vị về việc nói tiếng Anh trên internet. Một nơi tốt để bắt đầu là các podcast của Hội đồng Anh. Đối với học viên nâng cao hơn, các podcast của BBC sẽ là kênh cung cấp các tệp âm thanh tuyệt vời hơn.
YouTube cũng là một tài nguyên luyện tiếng Anh khác. Nếu bạn là một người hâm mộ phim truyền hình và muốn biết nhiều hơn về các nhân vật yêu thích của bạn, hãy tìm các clip phỏng vấn ngắn với các diễn viên đóng vai đấy. Lắng nghe cách họ trả lời các câu hỏi hài hước, chủ đề nghiêm túc và cả các vấn đề không thoải mái. Lưu ý ngữ điệu trong giọng nói chuyển biến theo sự thay đổi trong chủ đề.

Chắc chắn bạn sử dụng ngữ điệu một cách chính xác rất nhiều lần

Như chúng ta đã thấy, ngữ điệu là một khía cạnh quan trọng của phát âm, nhưng điều đáng ghi nhớ là chắc hẳn bạn đang sử dụng nó một cách chính xác trong phần lớn thời gian. Ngay cả trong trường hợp ngữ điệu của bạn nghe như robot, nhưng nếu bạn muốn tự tin hơn về ngữ điệu của mình khi nói tiếng Anh và đặc biệt nếu bạn muốn sử dụng nó một cách chính xác và tinh tế, thì chắc chắn bạn nên dành thời gian để ý cách người khác sử dụng nó, bắt chước cách sử dụng của họ và nghe bản ghi âm giọng nói của bạn.
Để đăng ký giáo viên hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí: 
CÔNG TY CP HỢP TÁC QUỐC TẾ MINH QUANG
 HÀ NỘI : 229 Trần Quốc Hoàn - Dịch Vọng- Cầu Giấy - Hà Nội.
 Hotline : 024.6685.3355 - 0974. 622. 815 - 0966 188 169
 Email : giaovientienganh.edu@gmail.com
 Skype : giaovientienganh.edu
BT: Nt Lâm

CÁC CÁCH GIÚP BẠN HỌC TIẾNG ANH GIAO TIẾP TẠI NHÀ

MIC – Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng đối với người học tiếng Anh, nhưng nếu bạn không có bất kỳ phương pháp hay bí quyết học tập nào sẽ khiến bạn rất dễ bỏ cuộc. Dưới đây là bí quyết giúp bạn học tiếng Anh giao tiếp ngay tại nhà mà chuyên gia tiếng Anh hy vọng sẽ mang đến động lực học tập cho bạn cũng như giúp bạn nâng cao ngữ pháp, từ vựng và các kỹ năng tiếng Anh khác.

Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng đối với người học tiếng Anh.

1. Luyện tập với kỹ thuật “đọc chuyên sâu” (intensive reading)

“Đọc chuyên sâu” hay đọc kỹ là việc đọc một cách tập trung để hiểu được chính xác ý nghĩa của những gì bạn đang đọc. Điều này trái ngược với cách đọc lướt, nghĩa là đọc để hiểu nội dung một cách chung chung, cách đọc này giúp cho người đọc cảm thấy tự tin và thích thú trong quá trình đọc vì có thể hình dung được những gì đang đọc nhưng không cần quá tập trung vào chi tiết. Mặc dù đọc lướt có thể có tác dụng ở nhiều mặt, nhưng việc đọc kỹ sẽ hữu ích hơn trong việc giúp bạn nhanh chóng cải thiện các kỹ năng tiếng Anh.
Kỹ thuật đọc kỹ bao gồm các bước sau:
  • Xác định các từ vựng quan trọng
  • Che một số từ và đoán nghĩa của chúng
  • Viết tóm tắt sau khi đọc
  • Đọc cùng với một gia sư tiếng Anh (hoặc một người bạn) hoặc thảo luận về nội dung của văn bản bạn đã đọc.
Hãy chắc chắn rằng bạn chọn các đoạn đọc ngắn khi thực hành kỹ thuật đọc chuyên sâu, nếu không bạn sẽ bị choáng ngợp và nhanh chóng từ bỏ việc luyện tập. Kỹ thuật “đọc chuyên sâu” này ngoài việc giúp bạn hiểu sâu ý nghĩa văn bản, nó còn giúp bạn tích lũy những ý tưởng từ bài đọc để khi giao tiếp, bộ não sẽ nhanh chóng biến những gì bạn đọc được trở thành nội dung cuộc nói chuyện một cách tự nhiên.
Việc tập nói trước gương có thể giúp bạn bớt ngại ngùng khi nói chuyện với người nước ngoài.

2. Luyện nói trước gương để học tiếng Anh giao tiếp

Việc tập nói trước gương có thể giúp bạn bớt ngại ngùng khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Đôi khi, việc học giao tiếp tiếng Anh trong khi trình độ hiện tại còn kém, khiến bạn có thể cảm thấy lúng túng và gượng gạo. Điều này một phần là do bạn không biết khẩu hình miệng của mình trông như thế nào khi nói những âm thanh không có trong tiếng mẹ đẻ, thậm chí là ngay cả khi bạn đang phát âm chúng một cách chính xác.
Vì vậy, hãy xem cách miệng của bạn di chuyển khi bạn nói tiếng Anh trước gương. Tốt hơn, hãy so sánh cách phát âm của bạn với những người nói tiếng Anh bản địa. Ví dụ, bạn có thể lặp lại một số đoạn hội thoại từ một chương trình truyền hình và cố gắng bắt chước các cử động miệng của diễn viên. Điều này không chỉ giúp bạn xây dựng sự tự tin mà còn giúp bạn cải thiện việc phát âm tiếng Anh.

3. Học với phương pháp “thực hành phân tán” (distributed practice method) 

Phương pháp “thực hành phân tán” đảm bảo rằng bạn sẽ luôn cải thiện tiếng Anh và đạt được một thành tựu lâu dài. Trong phương pháp này, bạn sẽ có nhiều buổi học rất ngắn. Điều này khác với nhiều phương pháp tập luyện của người khác như: học nhồi nhét, học quá nhiều hay chỉ bắt đầu học ngay trước một bài kiểm tra. Ngoài việc thực sự khiến bản thân cảm thấy khó chịu, nhồi nhét không giúp bạn nhớ thông tin trong một thời gian dài. Hầu hết mọi người đều quên mọi thứ họ đã học ngay khi kết thúc bài thi của mình.
Để bắt đầu sử dụng phương pháp thực hành phân tán, hãy lên một lịch trình học tập. Cố gắng học ít nhất một vài lần một tuần và lập kế hoạch cho những gì bạn muốn học mỗi ngày / tuần / tháng / v.v. Đặt nhiều mục tiêu cho các kỹ năng tiếng Anh mà bạn muốn cải thiện để theo dõi sự tiến bộ của mình tốt hơn.
Hãy đánh dấu những từ bạn không biết và viết nó để vào nơi dễ nhìn.

4. Đánh dấu những từ lạ khi đọc 

Khi đọc một cuốn sách tiếng Anh, hãy đánh dấu những từ bạn không biết và đừng tra từ điển cho đến tận cuối chương. Sau đó, hãy biến những từ không quen thuộc này thành một danh sách các từ cần học trong ngày.
Đây là một phép thử đúng đắn để cải thiện vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu tiếng Anh của người học. Bạn chỉ cần chọn ra một cuốn sách có vẻ thú vị và ngồi xuống với một cây bút và sổ ghi chép. Đến cuối chương đó, chắc hẳn bạn sẽ có ít nhất một vài từ để tra cứu.

5. Luyện tập với các video tiếng Anh thực tế 

Một trong những điều khó nhất khi cố gắng cải thiện tiếng Anh là bạn không được tiếp xúc nhiều với tiếng Anh thực tế ngoài đời.
Video dạy tiếng Anh thông qua các video tiếng Anh thực tế, mỗi video đi kèm với kịch bản bên dưới, bạn có thể nhìn vào để tra cứu định nghĩa, ngữ pháp. Bằng cách này, bạn có thể cải thiện từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh trong khi hiểu được cách người bản ngữ thực sự sử dụng tiếng Anh như thế nào. Khi bạn xem xong một video, nó có những bài tập nho nhỏ để đảm bảo bạn nhớ mọi thứ đã được học. Loại thực hành này đảm bảo rằng bạn tích cực cải thiện tiếng Anh với các video. Có hàng ngàn video cho mọi cấp độ tiếng Anh từ sơ cấp đến nâng cao. Bạn có thể dễ dàng chọn video theo cấp độ và thể loại để tìm những video phù hợp với mình.

6. Lặp lại các câu tiếng Anh chơi chữ (“tongue twisters”) 

“Tongue twisters” là những câu tiếng Anh ngắn được lặp đi lặp lại với rất nhiều âm thanh tương tự nhau, khiến chúng trở nên rất khó nói ngay cả đối với những người nói tiếng Anh bản ngữ. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều mẫu câu như vậy, ví dụ như “nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch”, “buổi trưa ăn bưởi chua”,v.v.
Những câu này rất có tác dụng trong việc tạo ra niềm vui và giúp cải thiện phát âm tiếng Anh thực tế. Chúng sẽ giúp bạn thành thạo các âm thanh tiếng Anh khó và sử dụng chúng một cách tự nhiên hơn. Hãy bắt đầu chậm để đảm bảo bạn phát âm chính xác từng từ, sau đó cố gắng để nói ngày càng nhanh hơn!
Thường xuyên lặp lại những câu hay có tác dụng trong việc tạo ra niềm vui trong các cuộc trò chuyện nhóm.

7. Ghi âm lại phát âm tiếng Anh của mình mỗi ngày 

Điều này nghe có vẻ tẻ nhạt (vì nó nhàm chán và lặp đi lặp lại) nhưng sau đó bạn sẽ rất hạnh phúc vì đã quyết định làm điều này. Hãy sử dụng ứng dụng ghi âm giọng nói để tạo bản ghi âm đoạn nói tiếng Anh của bạn mỗi ngày. Bạn có thể chỉ cần nói về một ngày đã trôi qua trong vài phút, đọc một đoạn văn từ một cuốn sách hoặc tờ báo tiếng Anh, nói một số từ tiếng Anh mới mà bạn đã học được hoặc bất cứ điều gì phù hợp với bạn!
Nhưng đừng dừng lại ở đó. Sau các lần ghi âm, bạn cần nghe lại chúng và cố gắng bắt lỗi của mình, cho dù đó là lỗi phát âm, lỗi ngữ pháp hay từ sử dụng sai, v.v. Đây là một trong những cách thiết thực và tức thời nhất để cải thiện tiếng Anh, đặc biệt nếu bạn tự học ngoại ngữ. Nếu không sửa chữa sai lầm, bạn sẽ tiếp tục mắc lỗi và trình độ tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ chậm hơn.
Một phần thưởng bổ sung là những bản ghi này có thể là một động lực thúc đẩy tuyệt vời trong quá trình học sau này của bạn. Vì chắc chắn là sẽ có một lúc nào đó bạn gặp khó khăn, bạn không còn tiếp thu nhanh như trước và các khái niệm ngữ pháp tiếng Anh phức tạp dường như quá khó khăn. Bạn thậm chí có thể muốn bỏ cuộc. Lúc này, các bản ghi âm sẽ nhắc nhở bạn về việc bạn đã đi được bao xa trong quá trình học, nó có thể sẽ vực bạn dậy khi bạn cảm thấy mất tinh thần!

8. Ghi nhớ các từ đồng âm phổ biến

Từ đồng âm là những từ có cùng cách phát âm nhưng khác nghĩa (và cũng có thể khác cách đánh vần). Một số ví dụ về từ đồng âm tiếng Anh bao gồm:
  • Blew – blue (thổi – màu xanh)
  • Know – no (biết – không)
  • Here – hear (Ở đây- nghe)
Nghiên cứu từ đồng âm sẽ giúp cải thiện kỹ năng đàm thoại tiếng Anh của bạn và tránh nhầm lẫn giữa các từ. Bạn sẽ nghe tiếng Anh dễ dàng hơn nếu bạn đã quen thuộc với các từ phổ biến giống nhau. Để ghi nhớ các từ đồng âm phổ biến, bạn có thể sử dụng phương pháp tạo thẻ flashcard cho các cặp từ đi kèm với nghĩa thực tế.

9. Hiểu cấu trúc S-V-O

Các cấu trúc câu trong tiếng Anh thực sự không khó nắm bắt, đặc biệt nếu bạn đã từng học tiếng Đức hoặc tiếng Roman, bởi vì những ngôn ngữ này có cấu trúc ngữ pháp khá tương đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với người mới bắt đầu là phải thành thạo cấu trúc câu S-V-O (Subject-Verb-Object /Chủ ngữ – Động từ – Bổ ngữ) càng nhanh càng tốt.
Khi bạn đã có thể phân biệt Chủ ngữ – Động từ – Bổ ngữ trong bất kỳ một câu nào, bạn sẽ dễ dàng ghép các cấu trúc câu mới, đặc biệt, nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo câu tiếng Anh trong các cuộc hội thoại thực tế hay khi luyện viết tiếng Anh.
Các mẫu câu S-V-O trông như sau: I grab a soda (Tôi lấy một cốc soda) “I” là chủ ngữ của câu, “grab” là động từ, “soda” là bổ ngữ (thứ đang bị lấy)
Lưu ý rằng động từ có thể ở định dạng phủ định. Ví dụ: He does not clean the car (Anh ấy không rửa xe.)
Bạn sẽ thấy rằng không phải lúc nào trong câu cũng cần một bổ ngữ, tuy nhiên, chủ ngữ và động từ là bắt buộc. Ví dụ: She danced (Cô ấy đã nhảy).

10. Chơi các trò chơi tiếng Anh trực tuyến

Các trò chơi tiếng Anh nên được sử dụng thường xuyên cho người học, đơn giản vì chúng thú vị, vừa giúp thư giãn vừa giúp cải thiện tiếng Anh và có thể dễ dàng truy cập trực tuyến. Một số trò chơi ngữ pháp tiếng Anh thú vị bao gồm:
  • Fun English Game: Ngay cả những trò chơi được thiết kế cho trẻ em học tiếng Anh cũng có thể hữu ích cho người lớn! Chúng gồm những trò chơi để luyện ngữ pháp, từ vựng và thậm chí là cách ngắt câu.
  • Learn English Kids: Đây là một kho tài nguyên trò chơi dành cho gia đình hoặc bạn bè đến từ Hội đồng Anh – British Council.
  • ESL Game Goals: Đây là một trang web đặc biệt hữu ích cho các trò chơi ngữ pháp.
Học bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi thời gian và công sức. Với một vài lời khuyên và tư vấn hữu ích trên, hy vọng rằng các bạn sẽ ngày càng tiến bộ và nâng cao khả năng học giao tiếp tiếng Anh của mình hơn nữa. Chúc các bạn thành công!
Để đăng ký giáo viên hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí: 
CÔNG TY CP HỢP TÁC QUỐC TẾ MINH QUANG
 HÀ NỘI : 229 Trần Quốc Hoàn - Dịch Vọng- Cầu Giấy - Hà Nội.
 Hotline : 024.6685.3355 - 0974. 622. 815 - 0966 188 169
 Email : giaovientienganh.edu@gmail.com
 Skype : giaovientienganh.edu
BT: Nt Lâm

CÓ NÊN DÙNG TIẾNG MẸ ĐẺ TRONG LỚP HỌC GIAO TIẾP TIẾNG ANH

MIC – Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong lớp học giao tiếp tiếng Anh luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Những người đề xuất phương pháp trực tiếp ủng hộ rằng tiếng mẹ đẻ phải bị trục xuất khỏi lớp học. Mặt khác, những người ủng hộ phương pháp dịch song ngữ lại mong muốn nên cho phép việc sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách tự do.


có nên sử dụng tiếng mẹ đẻ để nói trong lợp hoc tiếng Anh
Giáo viên quốc tế cho hay “học tiếng anh nên nói phải bằng tiếng Anh”
“Thật khó để trả lời cho câu hỏi nên hay không nên sử dụng tiếng mẹ đẻ trong các lớp học giao tiếp tiếng Anh” – một giáo viên người Ấn Độ bày tỏ quan điểm. Với kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh lâu năm, đứng trên cương vị một giáo viên ngoại ngữ, ông cho rằng không có câu trả lời nào thỏa đáng và khả thi cho câu hỏi trên.
Ấn Độ là quốc gia có rất nhiều ngôn ngữ khu vực khác nhau và hầu hết người dân ít khi được tiếp xúc với ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ từ khi họ được sinh ra, điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc dạy tiếng Anh tại đất nước này. Theo giáo viên này, ông cũng hay dùng tiếng mẹ đẻ để giảng dạy ngoại ngữ cho các em, nhưng cũng sử dụng rất hạn chế chứ không thường xuyên. Ông luôn đảm bảo không đi chệch khỏi mục tiêu chung của việc giảng dạy. Ông cảm thấy tiếng mẹ đẻ không nên bị trục xuất khỏi môi trường tiếng Anh mà trái lại, ngôn ngữ mẹ đẻ còn là phương tiện thúc đẩy học viên học tập ngoại ngữ tốt hơn. Và chắc hẳn cũng có nhiều người đến từ những đất nước không nói tiếng Anh, cũng đồng quan điểm với ông.
Ông còn cẩn thận chia sẻ thêm cách sử dụng tiếng mẹ đẻ trong lớp qua các tình huống sau đây:
  • hướng dẫn: Trong khi thực hiện các nhiệm vụ như làm việc nhóm, làm việc theo cặp, làm việc dự án, học sinh phải biết cách thực hiện các yêu cầu đặt ra. Một giáo viên có thể giải thích các chi tiết trong các tình huống trên bằng tiếng mẹ đẻ để cho phép học sinh thực hiện các nhiệm vụ một cách chính xác mà không có bất kỳ sự nhầm lẫn nào
  • giải thích các danh từ trừu tượng như tính toàn vẹn: Rất khó để dạy nghĩa của các danh từ trừu tượng vì nó khá mơ hồ. Ví dụ, rất khó xác định hoặc giải thích “tính toàn vẹn” là gì. Vì vậy, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ tương đương trong bối cảnh này là hợp lý. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ giúp học sinh thoát khỏi rào cản của sự hiểu biết hoặc hiểu sai.
  • dạy ngữ pháp: trong khi dạy ngữ pháp, đôi khi, những lời giải thích có thể được đưa ra một cách thận trọng bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh
  • dạy người học trình độ thấp: việc giảng dạy ở các khu vực trung bình, có trình độ thấp và không phù hợp với các tiêu chuẩn dự kiến thì việc dạy song ngữ (gồm tiếng mẹ đẻ) là điều cần thiết.
Giáo viên người Ấn còn cho biết, ông từng gặp trường hợp một nam sinh học kém tiếng Anh đến nỗi không thể viết đúng bảng chữ cái theo thứ tự, nhưng anh ta lại có thể xác định được chúng. Ông đã bắt đầu dạy lại tiếng Anh cho học viên này bằng tiếng mẹ đẻ và yêu cầu anh ta tập trung vào những gì ông viết trên bảng đen. Thật đáng kinh ngạc chỉ trong vòng một tháng, học viên của ông đã có thể nhận ra chính xác 15 tính từ tiếng Anh và viết đúng hoàn toàn thứ tự của bảng chữ cái.
Đây được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp giáo dục của ông. Ông đã phát triển một niềm tự hào về việc dạy và học tiếng Anh thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Ông luôn bám sát và chú trọng vào quan điểm “giáo dục hòa nhập” hiện nay, đó là không có học sinh nào bị bỏ rơi và cảm thấy xa lánh với các bạn trong lớp. Mỗi học sinh đều có quyền tự do và không gian riêng để phát triển về tri thức, tinh thần và thể chất.
Tóm lại, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ không hẳn là một phương pháp không phù hợp trong các lớp học giao tiếp tiếng Anh. Quan trọng hơn hết vẫn là giáo viên phải đánh giá được trình độ của học viên, căn cứ vào đó để cân bằng phương pháp giảng dạy của mình.
Để đăng ký giáo viên hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí: 
CÔNG TY CP HỢP TÁC QUỐC TẾ MINH QUANG
 HÀ NỘI : 229 Trần Quốc Hoàn - Dịch Vọng- Cầu Giấy - Hà Nội.
 Hotline : 024.6685.3355 - 0974. 622. 815 - 0966 188 169
 Email : giaovientienganh.edu@gmail.com
 Skype : giaovientienganh.edu
BT: Nt Lâm

BA CÁCH HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG ANH DÀNH CHO MỌI LỨA TUỔI

Hôm nay giáo viên tiếng Anh tại MIC sẽ giới thiệu cho bạn ba cách học ngữ pháp tiếng Anh tốt nhất mang lại sự vui nhộn cho lớp học của bạn nhé!

ba cách học ngữ pháp tiếng Anh dành cho mọi lứa tuổi.
Các trò chơi trong quá trình học tiếng Anh luôn là cách nắm bắt ngữ pháp tốt nhất.

Vì sao cần có các trò chơi trong các lớp học tiếng Anh? 

Trò chơi và các hoạt động vui chơi là một tính năng mà hầu hết các giáo viên dạy tiếng Anh thường xuyên áp dụng trong các lớp học tại các trung tâm Anh ngữ cho trẻ em. Không những thế, ở các lớp học tiếng Anh dành cho người lớn cũng không thể thiếu các hoạt động này, nhằm tạo động lực cho người học, làm cho mục tiêu học tập trở nên rõ ràng và dễ dàng ghi nhớ hơn, đồng thời còn củng cố sự hợp tác trong quá trình làm việc nhóm giữa các học viên.
Dưới đây là các hoạt động thú vị dành cho học viên sơ trung cấp, khi học cấu trúc ngữ pháp “to be able to” để bạn tham khảo. Tuy nhiên, các hoạt động này có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt để áp dụng vào các cấu trúc ngữ pháp khác có độ phức tạp ít hơn hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào từng cấp độ của lớp học đó.

1. Trò chơi hỏi đố dành cho các nhóm 

Hoạt động này được thiết kế để sử dụng trong giai đoạn luyện tập và thực hành của một bài học. Nói cách khác là trước đó bạn đã phải hoàn thành xong việc giới thiệu mục tiêu học tập cho các học sinh của mình.
Mục đích ở đây là làm cho cấu trúc ngữ pháp trở nên ấn tượng và dễ nhớ bằng cách cung cấp một bối cảnh hay nội dung mang tính cá nhân. Hãy bắt đầu với một ví dụ trên bảng (có thể điều chỉnh các mục sau đây sao cho phù hợp với lớp học thực tế của bạn):
Something I’m able to do well – (Một cái gì đó tôi có thể làm tốt).
_________________ football quite well – (_________________bóng đá khá tốt).
Hãy gợi ý cho học sinh của bạn để họ có thể hoàn chỉnh câu trả lời: “I’m able to play football quite well” (Tôi có thể chơi bóng đá khá tốt). Sau đó, yêu cầu thêm một số gợi ý về những điều mà họ nghĩ rằng bạn có thể làm. Viết ý tưởng của họ lên bảng. Ví dụ:
Học sinh: “Drums!” (cái trống)
Giáo viên: “No, I’ve never been able to play the drums” (Không, tôi chưa bao giờ có thể chơi trống). Lúc này giáo viên có thể viết thêm cụm từ “play the drums” lên bảng như một cụm từ mới để giới thiệu cho các học viên của mình.
Học sinh: “Can you speak Spanish?” (Thầy/cô có thể nói tiếng Tây Ban Nha không?).
Giáo viên: “No, but I’d love to be able to speak Spanish” (Không, nhưng rất muốn có thể nói được tiếng Tây Ban Nha). Viết cụm từ “speak Spanish” lên bảng.
Hãy tiếp tục thực hiện theo cách này cho đến khi bạn có một tập hợp các cụm “động danh từ” trên bảng. Học sinh có thể tham khảo những cụm từ trên và lấy làm cảm hứng để sử dụng trong các hoạt động kế tiếp.
Giờ hãy chia lớp học thành các nhóm bốn hoặc năm học viên và trao cho mỗi học viên một bộ thẻ đố. Các thẻ này bao gồm nhiều thì tiếng Anh khác nhau dựa trên nội dung của những bài học trước, chẳng hạn như thì hiện tại hoàn thành và thì quá khứ đơn. Và hãy chắc rằng những thẻ này phù hợp của các học viên trong lớp.
Lúc này, người học sẽ phải viết ra một câu hoàn chỉnh có chứa thì tiếng Anh trong thẻ và trong câu phải có một hoặc nhiều cụm từ vừa được liệt kê trên bảng trước đó. Ví dụ: “I’d like to be able to speak Spanish” (Tôi muốn mình có thể nói tiếng Tây Ban Nha) hoặc “I’ve been able to cook well” (Tôi chưa bao giờ có thể nấu ăn ngon) v.v…
Trong lúc học sinh viết câu, giáo viên tiếng Anh hãy làm nhiệm vụ quan sát, hỗ trợ và giải đáp mọi khó khăn thắc mắc khi cần thiết. Bên cạnh đó, nhớ khuyến khích những bạn đã hoàn thành sớm kiểm tra các câu trả lời của nhau hoặc giúp đỡ những thành viên khác trong nhóm.
Sau khi tất cả đã hoàn thành xong, hãy để học sinh thảo luận câu trả lời của mình với những người khác trong nhóm trước khi viết tên lên thẻ. Tiếp theo, yêu cầu mỗi nhóm thu tất cả các thẻ lại và xáo trộn chúng lên.
Bây giờ, bạn đã có thể bắt đầu các câu đố bằng cách sử dụng các câu trên thẻ của học sinh. Để minh họa, hãy lấy một thẻ bất kì từ một nhóm nào đó và đọc cho cả lớp nghe. Ví dụ: Ai đã viết: “I’ll be able to go to the moon in the future”? (mình sẽ có thể du hành đến mặt trăng trong tương lai). Hãy yêu cầu học sinh từ nhóm khác đoán xem ai là người đã viết câu này và cho các em thời gian thảo luận trước khi đưa ra đáp án. Nếu bạn chơi trò chơi như thế này với cả lớp, bạn có thể đóng vai trò là một “bậc thầy đố vui”, đặt câu hỏi và giữ điểm trên bảng.
Cuối cùng, bạn hãy để cả lớp làm việc cùng nhau bằng cách cho các học sinh bắt cặp và chọn ra năm tấm thẻ để giải thích cho câu trả lời của mình. Lúc này, giáo viên đóng vai trò là người giám sát và ghi nhận những sai sót của học viên trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ. Những câu trả lời sai có thể sẽ được sửa lỗi trong tiết học kế tiếp.
Hoạt động giải đố này rất hữu ích đối với các lớp học tiếng Anh thiếu nhi. Ngoài ra, với các học viên lớn, họ cũng có thể tự chơi trò chơi này trong nhóm của mình.

2. Sửa lỗi ngữ pháp tiếng Anh cùng bạn học

Trò chơi sửa lỗi ngữ pháp này là cách học tiếng Anh tốt nhất và mang lại nhiều niềm vui cho học viên.
Đầu tiên, hãy viết các câu tiếng Anh (chẳng hạn như các câu dưới đây) và cho cả lớp biết rằng mỗi câu như vậy đều có ít nhất một lỗi ngữ pháp. Yêu cầu học sinh làm việc theo cặp để thảo luận và chỉnh sửa sao cho phù hợp.
  1. I’ve never be able to swim in the sea. (Tôi chưa bao giờ có thể bơi được ở biển).
  2. I’ll to be able to play football tonight, if the weather’s good. (Nếu trời đẹp, tôi sẽ có thể chơi bóng đá vào tối nay).
  3. I’d love to being able to speak English perfectly. (Tôi rất thích có thể nói tiếng Anh hoàn hảo).
  4. My friends was able to see my car when I drove past. (Bạn bè của tôi đã có thể nhìn thấy chiếc xe của tôi khi tôi lái xe qua.)
  5. I’m able to playing the piano really well. (Tôi có thể chơi piano thực sự tốt).
  6. If we finish early, we’ll able go to shopping after work. (Nếu chúng tôi xong sớm thì chúng tôi sẽ có thể đi mua sắm sau khi làm việc).
  7. John’s to be able to cook like a chef. His food is so much tasty. (John có thể nấu ăn như một đầu bếp. Đồ ăn của anh ấy rất ngon).
  8. My brother’s able to make great photos in holiday. (Anh trai tôi có thể tạo ra những bức ảnh tuyệt vời trong kỳ nghỉ).
  9. She able to sing beautifully. All the people thinks she’ll be a pop star. (Cô ấy hát rất hay. Tất cả mọi người nghĩ rằng cô ấy sẽ trở thành một ngôi sao nhạc pop).
Bây giờ hãy chia cả lớp thành ba nhóm lớn, để họ sẽ không làm việc lại với các bạn trước đó. Yêu cầu họ thảo luận thêm về cách chỉnh sửa những câu trên. Tiếp theo, đưa cho mỗi nhóm bút viết bảng với nhiều màu khác nhau. Mỗi nhóm sẽ cử ra người viết, sau đó người được cử phải nhanh chóng chạy lên bảng và chỉnh sửa một trong các câu trên. Khi sửa xong, họ phải quay lại nhóm của mình và chuyển bút cho người kế tiếp.
Đừng quên gợi ý lỗi sai cho cả lớp trước khi trò chơi bắt đầu. Khi trò chơi kết thúc, bạn có thể cộng điểm bằng cách đếm màu bút có nhiều câu chỉnh sửa đúng nhất.
trò chuyện nhiều với giáo viên nước ngoài là một cách tốt để học ngữ pháp tiếng Anh
Rèn luyện ngữ pháp chuẩn với giáo viên nước ngoài

Trò chơi này vừa giúp rèn luyện ngữ pháp cho học viên mà cũng vừa rèn tính nhanh nhạy chính xác và tinh thần làm việc nhóm cho mỗi người. Cây bút được hoán đổi liên tục giữa các thành viên trong nhóm sẽ giúp tạo ra sự công bằng và cả lớp đều được tham gia vào trò chơi, ngăn tình trạng chỉ có một người tiếp quản hết trò chơi (hoặc có những bạn không tham gia gì cả).

3. Điền vào chỗ trống theo nhóm để ôn tập và củng cố kiến thức ngữ pháp

Hoạt động thứ ba là một trò chơi được thực hiện nhằm mục đích ôn tập.
Đầu tiên, chia lớp thành hai đội và cho mỗi đội một cây bút viết bảng. Giáo viên sẽ viết câu hỏi lên bảng và để hai chỗ trống cho mỗi đội ghi câu trả lời vào đó. Ví dụ:
I want to ___________ French fluently before my holiday next year. (Tôi muốn ___________ tiếng Pháp trôi chảy trước kì nghỉ năm tới).
Đội A: ____________ Đội B: ____________
Bây giờ hãy để học viên thảo luận ý tưởng trong nhóm riêng và bạn chỉ đưa ra một khoảng thời gian ngắn để quyết định câu trả lời. Tiếp theo, yêu cầu họ cử một người trong nhóm viết câu trả lời lên bảng. Hãy chắc chắn rằng thành viên của mỗi nhóm viết cùng một lúc để tránh tình trạng sao chép lẫn nhau.
Một khi cả hai nhóm đã viết xong câu trả lời, hãy mở một cuộc thảo luận với lớp. Nếu các đội có câu trả lời khác nhau thì hội ý xem câu trả lời của nhóm nào là đúng, việc này nhằm mục đích nâng cao tinh thần tự điều chỉnh và phản ánh.
Hãy tiếp tục trò chơi bằng cách viết một câu hỏi mới lên bảng cho mỗi lần chơi và hoán đổi vai trò của người viết câu trả lời. Những điểm số nho nhỏ như một phần thưởng đi kèm cho mỗi câu trả lời đúng sẽ là động lực tích cực cho tất cả học viên tham gia vào trò chơi này.
Với ba hoạt động học ngữ pháp tiếng Anh trên đây, hy vọng bạn sẽ mang lại không khí vui tươi cho lớp học và biến những bài học ngữ pháp buồn tẻ thành những giờ vui chơi bổ ích cho các học viên của mình.
Để đăng ký giáo viên hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí: 
CÔNG TY CP HỢP TÁC QUỐC TẾ MINH QUANG
 HÀ NỘI : 229 Trần Quốc Hoàn - Dịch Vọng- Cầu Giấy - Hà Nội.
 Hotline : 024.6685.3355 - 0974. 622. 815 - 0966 188 169
 Email : giaovientienganh.edu@gmail.com
 Skype : giaovientienganh.edu
BT: Nt Lâm